Để đầu tư mang lại lợi nhuận trong bối cảnh thị trường tiền mã hóa ngày càng mở rộng và thường xuyên biến động, các nhà đầu tư cần nắm rõ một số thuật ngữ, các hiệu ứng và lý thuyết chuyên ngành. Một trong những lý thuyết rất quan trọng và phổ biến đó là Dow. Vậy lý thuyết Dow là gì? Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn 6 nguyên tắc của lý thuyết Dow mà nhà đầu tư nào cũng cần biết.
Định nghĩa lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow là gì?
Lý thuyết Dow là một phương pháp dự đoán giá để giao dịch được phát triển bởi Charles Dow – người còn được gọi là cha đẻ của phân tích kỹ thuật (Technical Analysis). Hiện tại, lý thuyết này vẫn là cơ sở của phân tích kỹ thuật thị trường tài chính. Lý thuyết Dow thể hiện rõ nét sự biến động tăng giảm về giá đang xảy ra trên thị trường.
Hầu hết lý thuyết phân tích kỹ thuật hiện đại như Trendline, RSI, MACD, sóng Elliott,..đều có nguồn gốc từ những ý tưởng do Dow và đối tác của ông – Edward Jones đề xuất vào thế kỷ 19.
Lịch sử ra đời và phát triển của lý thuyết Dow
Như đã giới thiệu, người biên soạn lý thuyết Dow là Charles H. Dow. Những bài luận của ông về kỹ thuật này được đăng tải lần đầu trên tờ Wall Street Journal. Qua nội dung của những bài luận, ông đã đưa ra những dẫn chứng về sự biến động của thị trường chứng khoán. Dow cho rằng cách thức thị trường phản ứng với những biến động sẽ cho thấy một phần sức khỏe của thị trường đó và nhà đầu tư có thể dựa vào để thu lợi nhuận lớn nhất.
Charles H. Dow đã phân tích lý thuyết của mình dựa trên 2 yếu tố: chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số trung bình đường sắt Dow Jones (Dow Jones Industrial Average (DJIA) & Dow Jones Transportation Average (DJTA))
Một số điểm tiêu biểu trong lý thuyết Dow nhấn mạnh thị trường chứng khoán của một quốc gia sẽ phản ánh được tình trạng kinh tế của quốc gia đó. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể xác định được biến động thị trường tăng hay giảm nếu phân tích tổng thể chính xác và đầy đủ.
Tuy nhiên, ông lại đột ngột qua đời vào năm 1902 khi những tài liệu của mình còn dang dở. Sau đó, William P. Hamilton đã kế thừa nền tảng của lý luận này và hoàn thiện nó để cho ra đời một lý thuyết Dow đầy đủ như ngày nay.
6 nguyên tắc cốt lõi của lý thuyết Dow
Thị trường phản ảnh tất cả
Lý thuyết Dow hoạt động dựa trên giả thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Markets Hypothesis – EMH). Trong đó nói rằng: Giá tài sản hiện tại là sự kết hợp của tất cả các thông tin có sẵn từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai. Nói cách khác, cách tiếp cận này dựa trên kinh tế học hành vi.
Những thông tin đó có thể bao gồm lãi suất, lạm phát, thu nhập… cho đến cảm xúc của nhà đầu tư. Tất cả những yếu tố này sẽ được tính và là điều kiện để định giá thị trường.
Có 3 loại xu hướng thị trường
Theo lý thuyết Dow, thị trường tài chính có 3 loại xu hướng:
- Xu hướng chính: Kéo dài 1 năm trở lên, chẳng hạn như thị trường tăng hoặc giảm.
- Xu hướng phụ: Kéo dài từ 3 tuần đến 3 tháng, chẳng hạn như một đợt giảm giá trong bối cảnh thị trường tăng giá hoặc phục hồi trong thị trường giá xuống.
- Xu hướng nhỏ: Kéo dài dưới 3 tuần và đi ngược lại với xu hướng thứ cấp.
Xu hướng chính được chia làm các giai đoạn khác nhau
Xu hướng chính thường trải qua các giai đoạn sau:
- Trong thị trường tăng giá, chúng được gọi là giai đoạn tích lũy, giai đoạn tham gia của công chúng (bùng nổ) và giai đoạn quá độ.
- Trong thị trường “con gấu”, chúng sẽ được gọi là giai đoạn phân phối, giai đoạn tham gia của công chúng và giai đoạn hoảng sợ (hoặc tuyệt vọng).
Các chỉ số phải xác nhận và tương xứng với nhau
Để thiết lập một xu hướng, các chỉ số Dow hoặc mức trung bình thị trường phải xác nhận lẫn nhau. Điều này có nghĩa: các tín hiệu xảy ra trên một chỉ số phải khớp hoặc tương ứng với các tín hiệu trên chỉ số kia. Nếu một chỉ số, chẳng hạn như chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (Dow Jones Industrial Average – DJIA) đang xác nhận một xu hướng tăng, nhưng một chỉ số khác vẫn trong xu hướng giảm thì các nhà giao dịch không nên cho rằng một xu hướng mới đã bắt đầu.
Charles Dow đã sử dụng DJIA và DJTA – hai chỉ số mà ông và cộng sự của mình đồng phát minh với giả định: nếu các điều kiện kinh doanh trên thực tế là lành mạnh, DJIA sẽ tăng lên.
Hiểu đơn giản, các tuyến đường sắt sẽ thu được lợi nhuận từ việc vận chuyển hàng hóa mà hoạt động kinh doanh này yêu cầu. Nếu giá tài sản tăng nhưng các tuyến đường sắt lại bị ảnh hưởng, xu hướng này có thể sẽ không bền vững.
Khối lượng phải xác thực xu hướng
Khối lượng sẽ tăng nếu giá đi theo hướng của xu hướng chính và giảm nếu giá đi hướng ngược lại. Khối lượng thấp báo hiệu sự suy yếu trong xu hướng. Ví dụ: Trong thị trường tăng giá, khối lượng sẽ tăng khi giá tăng và giảm trong thời gian pullback. Còn khi khối lượng tăng lên trong một đợt pullback, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy xu hướng đang đảo ngược khi có nhiều người tham gia và thị trường chuyển sang giảm giá.
Xu hướng vẫn duy trì cho đến khi dấu hiệu đảo chiều xuất hiện
Sự đảo chiều trong xu hướng chính có thể bị nhầm lẫn với xu hướng phụ. Rất khó để xác định liệu một đợt tăng giá trong thị trường giảm giá là một sự đảo chiều hay chỉ đơn giản là một đợt phục hồi ngắn hạn và sau đó, các mức thấp hơn vẫn sẽ thấp hơn nữa.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn, quan sát thật kỹ để nhận biết rõ ràng sự đảo chiều của xu hướng và đưa ra những quyết định đúng đắn.
Một số lưu ý về lý thuyết Dow
Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời, lý thuyết Dow cũng tồn tại một số mặt hạn chế mà các nhà đầu tư cần lưu ý.
Không phải lúc nào cũng đúng
Không chỉ riêng lý thuyết Dow mà bất kỳ lý thuyết nào cũng vậy, đúng hay sai còn phải tùy thuộc vào tình hình thực tế của thị trường cũng như khả năng phân tích của nhà đầu tư.
Độ trễ cao
Thị trường tài chính luôn biến động trong từng khoảnh khắc. Nếu chúng ta cứ tuân thủ những quy tắc cứng nhắc của lý thuyết Dow có thể sẽ mất đi cơ hội kiếm lời ở phần đầu và phần cuối của biến động.
Nếu nhìn ở mặt tích cực, trên thực tế, đã có rất nhiều người đã thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ áp dụng các quy tắc đầu tư đúng theo lý thuyết Dow.
Không hỗ trợ nhiều cho các nhà đầu tư trung hạn và ngắn hạn
Ngoài các nhà đầu tư dài hạn, trên thị trường cũng đang có vô số các nhà đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, lý thuyết Dow lại chú trọng nhiều vào xu hướng chính nên nhà đầu tư cần phải đợi tạo đỉnh và đáy rõ ràng. Điều này khiến họ tốn nhiều thời gian phân tích và tìm ra xu hướng chính mà bỏ qua mất cơ hội đầu tư trung hạn và ngắn hạn.
Thường khiến cho các nhà đầu tư băn khoăn và khó xác định xu thế
Trong một số trường hợp đặc biệt, dựa theo những nguyên lý của lý thuyết Dow, ta sẽ đoán thị trường có thể sẽ lên giá. Tuy nhiên, thực tế thị trường đã bước vào giai đoạn nguy hiểm.
Vì giá biến động liên tục nên nhà đầu tư khó xác định chính xác khi nào các xu hướng kết thúc. Từ đó có thể đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm.
Tồn hơn trăm năm, nhưng đến nay, lý thuyết Dow vẫn có ảnh hưởng khá lớn đến thị trường tài chín. Thậm chí, lý thuyết Dow còn được xem là nền tảng lý thuyết quan trọng đối với các hoạt động đầu tư chuyên nghiệp. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về lý thuyết Dow để ứng dụng và ra quyết định đầu tư hiệu quả.
FAQs về lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow có thể ứng dụng trong thị trường tiền mã hóa?
Lý thuyết này hoàn toàn có thể ứng dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến đầu tư tài chính, bao gồm thị trường crypto. Vì lý thuyết Dow là một tập hợp các quy tắc dành cho các nhà đầu tư định hình thị trường, qua đó, hỗ trợ họ đưa ra quyết định giao dịch chính xác hơn khi thị trường tăng và giảm.
Nhà đầu tư thường quan tâm đến xu hướng nào?
Thông thường, các nhà đầu tư sẽ tập trung giao dịch theo xu hướng chính vì hai xu hướng còn lại không được rõ ràng và dễ bị nhiễu nên không được chú trọng nhiều.
Nếu nhà đầu tư đang quan tâm đến xu hướng phụ và nhỏ, nghĩa là họ đang bị phân tâm quá nhiều bởi những biến động ngắn hạn của thị trường. Điều này sẽ làm cản trở cái nhìn tổng quát và có thể bỏ lỡ những cơ hội lớn, dài hạn.
Đặc điểm của giai đoạn quá độ trong xu thế chính là gì?
Sau giai đoạn bùng nổ sẽ là giai đoạn quá độ. Khi thị trường đã đạt đến một mức độ nào đó, người mua bắt đầu bị yếu thế. Đây là giai đoạn cuối cùng của xu hướng tăng. Lúc này, các nhà đầu tư thường sẽ bán cổ phiếu lại cho những người vừa mới tham gia vào thị trường, đồng thời thị trường sẽ bắt đầu cho một xu hướng giảm.
Giai đoạn tích lũy và giai đoạn bùng nổ trong xu hướng chính khác nhau như thế nào?
Trong giai đoạn tích lũy, thị trường thường di chuyển rất chậm hoặc không di chuyển. Đây là giai đoạn khởi đầu cho xu hướng tăng, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu tìm cách tham gia vào thị trường. Đồng thời, giá cổ phiếu ở thời điểm này rất thấp nên sẽ không có bất kỳ rủi ro nào.
Với giai đoạn bùng nổ, các nhà đầu tư đã nắm được một số cổ phiếu nhất định ở giai đoạn tích lũy, họ kiên nhẫn chờ những dấu hiệu lạc quan nhất từ phía thị trường. Lúc này, giá cả cổ phiếu có sự biến động mạnh mẽ và các nhà đầu tư sẽ nắm giữ được một vị thế nhất định trên thị trường để tìm cơ hội được khoản lợi nhuận khổng lồ.